Lớp 12a1 Thân Yêu!!!!
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Lớp 12a1 Thân Yêu!!!!

Chúng Ta Cùng Nhau Tạo Ngôi Nhà Cho Chính Chúng Ta
 
Trang ChínhPortalGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Điều Phục Những Loài Rắn

Go down 
Tác giảThông điệp
truongsinh2777
Sơ Sinh
Sơ Sinh



Tổng số bài gửi : 45
Join date : 14/06/2010
Age : 36
Đến từ : DHYD thanh pho Ho Chi Minh

Điều Phục Những Loài Rắn  Empty
Bài gửiTiêu đề: Điều Phục Những Loài Rắn    Điều Phục Những Loài Rắn  I_icon_minitimeThu 17 Jun 2010, 10:28 pm

Điều Phục Những Loài Rắn


Tuệ-Chiếu





1. Những loại rắn hoang dã

Bạn có về miền Tây vùng Cửu Long Giang, với Thất Sơn huyền bí. Nếu có tâm thành, sẽ cảm nhận được sự linh thiêng mầu nhiệm một cách lạ kỳ. Cho nên vùng này được gọi là vùng Thánh địa.

Nói về miền Tây vùng phù sa nước ngọt, với Cửu Long giang gió mát hiền hòa. Còn có nhiều cánh đồng mênh mông, đầy ruộng lúa chín vàng thơm để xuất cảng. Có những vườn cây trái đủ loại, căng tròn mật ngọt thơm ngon. Nhờ hệ thống kinh rạch chia ngang, xẻ dọc, làm cho đất phì nhiêu mầu mỡ, chiêu đãi người dân hiền lành vùng đất Phật. Ngoài ra, còn có thổ sản, thuỷ sản, gia súc và những động vật cực độc như các loài rắn. Một nơi cung cấp những nguồn lợi thực phẩm phong phú. Chẳng những nuôi dân miền Tây, còn để nuôi được bao nhiêu triệu dân cư vùng Chợ Lớn, Sài Gòn. Còn cung cấp cho miền Bắc, và xuất cảng gạo ra ngoại quốc.

Về miền Tây bạn thấy dân cư trù phú, cuộc sống dễ dãi an nhàn và hiếu khách. Trong đồng quê ít khi đi chợ mua đồ, vì thức ăn bước ra đồng là có. Dưới sông thì tôm cá, trong hồ thì bông súng, củ sen, ngó sen, rau muống, rau nhút, hoa điên điển, sau hè thì rau diệu, rau dền. Cho nên người miền Tây dễ dãi lè phè, bạn bè rủ rê nhau thì hay mời ăn nhậu. Cho nên những quán nhậu mọc lên đầy dẫy. Xưa kia thì người ta hay ăn gà vịt, nhưng bây giờ thì món đặc sản là rắn, rùa. Toàn là những loại rắn cực độc như hổ đất, hổ mang, hổ lửa, hổ ngựa, hổ mây, hổ bướm, cạp nong, mái gầm v . v . . Các loài rắn độc nhốt trong lồng sắt, ai lại gần thì nó phùng mang ra khè hoặc phun nọc độc vào người. Khách hàng muốn chọn con rắn nào, thì người hầu bàn, thò tay không vào bắt con rắn đó ! Ai thấy cũng le lưỡi lắc đầu, vì khi bị nó cắn một cái là trào đờm, nhịp tim đập mạnh, thở khò khè ngay. Nếu không cứu kịp, thì hồn phất phưởng, đi theo ông theo bà qua bên kia thế giới ! Có người hỏi : “Tại sao anh gan vậy ? Không sợ nó cắn sao?” Quý vị biết họ nói gì không ? Họ nói: “Tôi đưa tay để trước miệng nó, bảo nó cắn, nó cũng chả dám cắn”. Mới nghe qua không suy nghĩ, thì người ta cho anh đó có bùa phép cùng mình. Nhậu xong nhớ trả tiền, nếu không thì bị bùa ngãi, bị thư sưng bụng chết đấy! Nhưng thực sự không phải vậy, chẳng qua có chút kỹ thuật nhà nghề thôi. Chẳng có gì là cao siêu hay huyền bí phù phép gì cả. Vì khi họ mua rắn xong, đem về lấy dây cước may miệng nó để cho an toàn, thì làm sao nó cắn được nữa! Chẳng qua là họ biểu diễn, để cho mọi người hồi hộp chú ý. Từ đó tăng lượng khách đến ăn nhậu, để xem biểu diễn bắt rắn trong lồng bằng tay không. Con rắn bị bắt ra, họ nắm ngay cổ của nó, phản ứng của rắn là giãy giụa, quấn vào tay người bắt nó, miệng khò khè đe dọa muốn cắn hoặc phun nọc. Họ còn biểu diễn, quấn con rắn hổ mang quanh cổ, rồi cầm con dao nhọn chích ở cổ con rắn, cho máu nhỏ vào ly rượu cho khách uống. Với lời quảng cáo là bổ khỏe, tăng sức, chống mỏi mệt. Nhưng có thực như vậy không ? Hay chỉ là chiêu dụ khách !? Trực tiếp trước mắt thì thấy ghê quá, kẻ rùng mình, người thì nổi ốc, nhưng cũng có người uống rồi hà hơi ra có vẻ đắc ý.

Sở dĩ tôi nói về cách điều phục rắn, vì nó có những ý nghĩa từ hình thức đến nội dung, có lợi lạc cho hàng Phật tử chúng ta. Vậy quý vị hãy cố gắng đọc hết bài này.

2. Nuôi và điều phục rắn

Nói đến Miền Tây, từ bờ biển Hà Tiên giáp với Campuchia. nhìn cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của hai ngọn núi Tô Châu. Đến vùng Rạch Giá, Cà Mau, dài đến Trà Vinh, Bến Tre, Gò Công. Cuộc sống người dân phong phú, với nguồn lợi thủy sản, nông sản, gia súc, vườn trái cây và những loài động vật hoang dã cũng rất dồi dào. Trên đường lục tỉnh về miền Tây, qua khỏi ngả ba Trung Lương, có trại nuôi rắn để lấy nọc bán. Vì nọc rắn độc mắc hơn vàng. Bởi nọc rắn trị liệu được các chứng phong thấp, viêm khớp và đau nhức. Ngoài ra còn dùng chế tạo các loại vaccine, loại thuốc chủng và giải trừ nọc độc khi người ta bị rắn cắn. Hơn nữa nuôi lòai vật này, phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao. Khối Đông Âu và Nga hay mua nọc rắn của trại này đem về chế thuốc.

Nguyên chủ trại là người lưu lạc giang hồ nhiều nơi. Rồi phiêu bạc qua Thái Lan, cuộc sống vất vả đi làm công. May mắn gặp được ông Thầy nuôi rắn, ở lại đó giúp việc cho ông ta. Nhờ tánh cần cù, hiền lành rồi học được nghề nuôi rắn. Vì Thái Lan có chùa rắn, bà chúa rắn thờ trong điện, mỗi sợi tóc của bà là một con rắn độc. Còn có một núi để nuôi rắn, du khách có thể đến tham quan vào giờ trưa họ cho rắn ăn, Mỗi con lớn nhỏ gì, khi ông già gỏ mõ cốc cốc. Tất cả các loài rắn nghe, đều bò đến chỗ của ông. Con rắn lớn bằng hũ đường, con rắn nhỏ bằng cổ tay, khi đến chỗ ông già thì há miệng chờ. Ông già lấy một trứng vịt trong cần xé, để vào miệng con rắn. Dù lớn dù nhỏ cũng chỉ một cái trứng vào buổi trưa. Hơn một ngàn con rắn thì hơn một ngàn cái trứng. Đó là ngôi chùa rắn của Thần Giáo Ấn Độ truyền qua Thái Lan.

Ông chủ trại rắn ở Đồng Tâm, ở đó làm công và học hỏi. Sau cùng, được ông thầy truyền cho những bí thuật, với chú thuật để hộ thân, để nuôi rắn độc không dám cắn, và hàng phục được tất cả những loài rắn. Khi thành nghề sau năm 1975, ông ta về vùng Đồng Tâm, thuộc tỉnh Mỹ Tho nuôi rắn độc lấy nọc. Rồi được giao phó một vùng rộng để chăn nuôi rắn. Trại nuôi rắn này, không nhốt rắn vào chuồng, mà thả rắn tự do làm hang ổ ngoài đồng. Chung quanh vùng nuôi rắn xây tường bao quanh. Mỗi con rắn, đều mang thẻ bài có mã số ở cổ. Để ghi vào hồ sơ ngày nhập trại, hoặc ngày tháng năm sanh để tiện việc theo dõi. Có hơn ba ngàn con rắn, được tự do bò thoải mái trong châu vi rộng rãi. Để rắn tự do tìm mồi ếch, nhái, lươn, tôm, cá dưới ao, hồ, lung, trấp. Hoặc chim trên cây, hay chuột trong hang ổ ở bờ đê, ở lùm cây. Chỉ trừ khi những con rắn hung dữ ngoan cố, hoặc vi phạm nội quy của trại, thì bị giam vào chuồng để phạt. Trước khi phạt một con nào, thì ra ngoài đồng ông chủ trại đọc chú lâm râm, rồi kêu các loại rắn vào nhà tập họp hết . Tuyên các tội phạm rõ ràng, rồi mới phạt giam cảnh cáo với thời gian bao lâu để cho tội phạm hối cải. Để cho các loại rắn khác biết mà phục tùng. Nhờ vậy, rắn không bị bất mãn động hang, động ổ mà nổi loạn, hoặc tấn công lại những người chăn nuôi.

Ngoài ra, trại cũng thông báo rõ cho dân chúng chung quanh biết, là rắn ở trại nuôi để lấy nọc. Rắn nuôi, mỗi con được mang thẻ bài trên cổ, để không được đập chết. Nếu đập chết phải bồi thường số tiền lớn tùy theo lượng nọc của nó sẽ lấy được. Vì nọc rắn mắc hơn vàng. Đồng thời trại bảo đảm nó không cắn chết người, nếu bị chết ngất trào đờm, thì đem đến trại sẽ cứu chữa mạnh lại ngay, rồi bồi thường xứng đáng cho nạn nhân. Đổi lại, nếu con rắn nào, theo hang lươn soi lổ ngầm trốn ra ngoài, người dân thấy thì hãy cấp báo cho trại ngay. Cho nên dân chúng sống trong vùng gần trại nuôi rắn, họ an tâm không lo sợ gì.

Còn vấn đề lấy nọc rắn với kỹ thuật thần kỳ, của chú thuật thần giáo Ấn Độ. Mỗi tuần, ông chủ trại ra ngoài đồng, miệng lâm râm không ai nghe được gì, rồi kêu hú bằng âm thanh đặc biệt. Nhưng các loại rắn thì biết, chúng thi nhau bò vào căn nhà rộng như hội trường, tập trung thành từng hàng theo lọai của mình. Ở đây không cần bắt từ con rắn, rồi lấy đủa sắt đè răng con rắn ra lấy nọc, Vì làm như vậy rất tốn sức, tốn nhiều công phu và mất thời gian cả tuần, chưa chắc xong việc lấy nọc hơn 3000 con rắn. Ở trại này không thua trại rắn Thái Lan, dùng chú thuật thần bí, khiến mỗi loại rắn biết dĩa nọc thuộc loại của mình, mà đến phun nọc vào dĩa rồi bò đi ra. Những ngày lấy nọc, có những khách đến thăm trại, thấy chung quanh toàn rắn độc, bò vào lũ lượt như muốn tấn công mọi người. Lúc ấy khách thất kinh hồn vía, phải vội leo lên đứng trên ghế, trên bàn, trên bộ ván ngựa, vừa tránh vừa run sợ. Mặc dù chủ trại nói là :“Không sao đâu ! Không sao đâu ! Đừng sợ !”. Mỗi con rắn như được huấn luyện thuần thục, ngoan ngoản đến đúng dĩa của loại mình mà phun nọc vào đó, rồi bò ra ngoài đồng. Không cần ai nhắc, hay ai động thủ, tất cả con rắn độc đều tự động như vậy. Rắn càng độc như rắn mái gầm, mình nó có từng khoang đen và khoang vàng, thì nọc của nó càng mắc hơn. Người ta thường nói: “Rắn mái gầm cắn nằm tại chỗ”. Vì nọc nó rất mạnh và chạy vào huyết quản, vào tim rất nhanh. Có điều, những con rắn độc nhiều, thì ban ngày lại không thấy đường, chúng nằm núp trong hang. Tối mới bò ra đi kiếm thức ăn. Lấy nọc rắn chỉ trong buổi sáng là xong, mọi việc nhanh gọn tốt đẹp. Bấy giờ khách tham quan mới cảm thấy nhẹ nhàng, không còn lo lắng nữa. Có những con rắn lai rất hung dữ, như con trăn lai rắn hổ, nó hung dữ và rất mau lớn. Những con rắn hổ lai thường bị nhốt trong lồng sắt, có một mặt lồng hướng ra lối đi, được che kiếng ngăn nọc. Vì rắn này hay phùng mang bạnh ra phun nọc, khi thấy ai đến gần. Cho nên khách đến thăm trại có người hướng dẫn, đi đến những lồng sắt có kiếng ngăn che để khỏi bị trúng nọc độc của nó. Một hôm ông chủ trại lại gần con rắn hổ mây. Nó trườn mình tới phun nọc vào tay ông. Ông ta chỉ nó bảo: “Đừng làm phách mày”. Rồi ông lâm râm đọc cái gì đó, bảo khoanh lại nằm đàng hoàng, là nó liền ngoan ngoản lại nằm xuống.

3. Loại rắn có mười điều đặc biệt như sau:


1. Chỉ một số rắn đẻ con như rắn lục, còn đa số đẻ trứng. Khi con mẹ nó đẻ con, nó chọn chỗ rậm khuất. Đầu quấn nhánh cây bên đây, đuôi quấn nhánh cây bên kia, nó căng thẳng mình, rồi nứt bụng cho con bò ra rồi mẹ chết. Còn đẻ trứng thì mẹ vẫn sống.

2. Đặc biệt trứng rắn tự động lớn mỗi ngày, cho đến khi nở. Vì trứng rắn có vỏ mềm, khác với trứng chim, trứng gà cứng không thể lớn.

3. Rắn con thì có một răng nhọn, để phá ổ trứng chui ra.

4. Rắn không có mí mắt, cho nên không bao giờ nhắm mắt.

5. Rắn điếc không có tai nghe. Nhưng cảm nhận bằng xúc giác và thị giác, biết người nói những gì. Những con rắn lớn có tu, thì có linh tánh biết tâm niệm người.

6. Rắn cứ lớn dần hàng tháng không ngừng.

7. Rắn cứ ba tháng là lột da, để tươi trẻ thêm và lớn thêm.

8. Rắn có thể nuốt con mồi to hơn miệng của nó. Vì miệng của nó đàn hồi được.

9. Rắn không nhai, chỉ nuốt, và có thể ăn một lần lượng ăn rất lớn với con mồi to gấp hai thân mình nó. Như con rắn ri cá nuốt con lươn lớn gấp hai nó, Hay con rắn hổ lửa chúa, mình nó vàng có bông đốm đen. Nó chỉ nuốt những con rắn hổ khác dù lớn hơn nó. Hơn nữa nó ăn như vậy, suốt một tháng sau mới tiêu hóa hết, nó mới đi rìm con mồi khác.

10. Đặc biệt hơn hết, là rắn từ cổ tay trở lên, nó có linh tánh hay là cảm giác cực nhạy và hiểu biết. Nó có thể trả thù người ta giết hại gia đình nó. Cho nên khi chặt đầu rắn để làm thịt, người ta chôn đầu rắn với chiếc đủa vót nhọn đóng xuyên đầu rắn dính dưới đất. Vì tránh cho con rắn nước đến mang đầu nó đi trả thù.

Rắn nước tha nó bằng cách đưa đuôi của nó, cho vào miệng con rắn đã bị chặt rời đầu đó, cắn vào đuôi con rắn nước. Con rắn nước bò đến nhà người đã giết nó, rắn nước nằm quấn trên cây xuyên nhà chờ. Khi thấy người giết nó đi ngang qua cửa, hay là nằm ngủ, hoặc đứng dựa cột. Lúc đó đuôi con rắn nước, thòng đầu con rắn hổ xuống đầu, con rắn hổ bị giết liền há miệng rơi ngay đỉnh đầu người kia, rồi cắn một phát là xong. Do đó, ở vùng quê, khi người đi phát ngoài ruộng mà thấy máu chỗ mình phát, người ta vội tìm ngay. Khi thấy mình con rắn hổ không có đầu. Người ta vội lên bờ ngay, kiếm cây bươi đám cỏ mới phát để tìm cho được đầu con rắn. Nếu không có, thì người ta đành bỏ khu đó đến chỗ cách xa tiếp tục phát cỏ, nhưng vẫn nhìn chừng dưới nước. Khi về, người ta kêu người trong nhà lấy mo cau hay là đồ hốt rác, che trên đầu mới vào nhà. Mọi người luôn chú ý trên cột nhà, trên những cây xà ngang để ý con rắn đến trả thù. Nếu nằm trên võng, thì cũng phải lấy chiếc mo cau che trên đầu. Đó là do ông bà từ xưa truyền lại, vì có người bị rắn trả thù rồi.

Còn ở Thái Lan và Ấn Độ, những người theo đạo Thần rắn. Họ cảm nhận được tiếng nói và ý tưởng của rắn và có thể điều khiển rắn theo ý mình, hoặc họ nói rắn nghe theo. Họ cũng theo lệnh của Thần Rắn sai khiến làm những công việc. Chỉ có những chức sắc trong đền rắn họ biết, còn người ngoài không thể biết, và không thể vào đền rắn vào những ngày họ treo bảng cấm. Nếu ai trái lệnh cấm, thì bổn mạng tuỳ theo nặng nhẹ, có thể bị thổ huyết chết ngay. Hay ba ngày, hoặc bảy ngày sau dù về tới Việt Nam, không dám đi đâu chỉ ở trên lầu. Nhưng vẫn bị con rắn nhỏ có mồng, phóng bay vào nhanh như lằn chớp, mổ vào đầu người đó chết.

4. Con rắn bị án tử hình

Trong trai nuôi rắn ở Đồng Tâm, đã xảy ra một chuyện tử hình thật hy hữu, và rất đặc biệt từ trước đến nay chưa đâu có. Nguyên có con rắn hổ lai trăn, nó mau lớn lạ thường gấp hai, gấp ba những con rắn khác, và hung dữ cũng rất khác thường. Chưa đầy hai năm tuổi, mà nó đã to lớn vòng bụng tới hai gang tay, thân nó khá dài gần 4,m. Nó chỉ sợ duy nhất là người chủ trại, còn đối với những phụ tá hay nhân viên, thì nó nghênh ngang bất chấp chẳng nể nang gì ! Ai mà chọc nó thì nó tấn công ngay. Một hôm chủ trại vắng, ở nhà nó ngoạm nuốt cánh tay của người đang cho nó ăn. rồi quấn xiết anh ta, như muốn nuốt anh ta. Anh ta vội la lên, mọi người chạy lại chích thuốc tê vào mình nó. Lập tức nó xuôi xị buông lơi anh ra, mới cứu anh được. Trại đã tập luyện cho các nhân viên nuôi rắn, cách thức cứu nguy cho nhau khi gặp những trường hợp bất thường như vậy. Dù loại bò sát độc hại như vậy, nhưng phải đối xử công minh bằng luật pháp, mới duy trì được trật tự của trại rắn. Chứ không thể có chuyện mỗi chút rồi giận tức, đánh đập chúng hay giết chúng ngay. Vô tình gây hận thù cho cả loài rắn, tạo thành sự khủng hoảng trầm trọng, thì tránh không khỏi nguy hiểm cho trại nuôi và dân cư quanh vùng. Vì rắn có linh tánh cảm nhận rất bén nhạy, lại có tính hay trả thù, nó bò lủi trốn đâu đó, hay leo núp trên những cây xà ngang. Nó phóng xuống mổ một cái là xong. Nhất là ban đêm, mắt nó tinh sáng nhanh nhẹn hơn người, cứu cấp không kịp. Như chuyện rắn trả thù dưới đây:

“Một hôm có anh nông dân đang phát cỏ ngoài đồng, nước ngập trên mắt cá chân. Cỏ lác rậm rạp, anh phát đi tới thì nước nổi cặn đục, không thấy rõ dưới nước. Lưỡi phát bén ngót, đi những đường phát ngọt sớt và nhanh nhẹn. Nước toé lên, là cỏ lác ngả rạp xuống thành từng đường trống trước mặt. Khi anh phát đến bờ đê, bổng thấy máu loang ra trên mặt nước, anh liền dừng tay lại quan sát. Một con rắn hổ bị đứt đầu đang giãy giụa, máu đang trào ra từ cổ của nó. Anh lấy cù nèo vít thân con rắn lên bờ đê, rồi tiếp tục vít cù nèo vùng đang phát để tìm cái đầu con rắn hổ đó ! Tìm kiếm mãi mà không thấy đầu con rắn ấy. Vì nhân gian tương truyền rằng, rắn chỉ chịu chết đâm, chứ không chịu chết chém. ! Nhưng thực tế, con vật hay con người đều muốn sống và sợ chết. Nó bị người ta giết nó thì nó thù ghét, chờ cơ hội trả thù. Con rắn bị chết đâm, thì thân hình của nó còn dính liền, nặng nề. Nên con rắn khác không thể tha nó đi tìm địch thủ trả thù. Còn bị chết chém., thì cái đầu nó gọn nhẹ với bộ thần kinh trên đầu còn đủ, con rắn nước biết đưa đuôi vào miệng nó. Nó cắn đuôi rắn nước để tha nó đi tìm nhà người giết nó để trả thù. Nếu khi tìm được cái đầu của nó, thì người ta lấy cây nhọn đâm xuyên đầu của nó rồi đem chôn, thì nó không tài nào đi trả thù được. Còn trường hợp này, con rắn khác tha nó đi dễ dàng. Hoặc nó đang nằm lẫn trong đám cỏ, bước ngay nó thì nó cắn ngay. Anh nông dân hoang mang sợ hãi, liền vác cái phảng đi về nhà, anh thuật lại mọi việc cho hàng xóm và người trong nhà biết. Những người lớn tuổi bày cho anh nên nằm trên võng, trên đầu để những cái mo cau khô che đầu, che mặt, che mình. Phải nhìn trên cây xuyên, cây kèo trên nóc nhà xem nó có bò đến không ? Vài tiếng đồng hồ sau, một con rắn nước bò trên cây kèo nhà, đuôi của nó có đầu con rắn hổ cắn vào đuôi của nó. Khi bò đến đầu anh nông dân, thì đầu con rắn hổ rơi xuống, mấy răng nanh của nó cắn chặt vào cái mo cau khô để trên đầu. Người ta vội lấy cây nhọn, đâm xuyên đầu nó vào chiếc mo cau rồi đem chôn ngay. Bấy giờ ai nấy đều nhẹ nhàng, vì cuộc trả thù đã chấm dứt. Mọi người trong nhà mới an tâm, vui vẻ sinh hoạt bình thường không lo lắng nữa .

Con rắn lai trăn đó, đã tấn công người nuôi dưỡng mình, là đã vi phạm luật của trại. Cho nên đương sự bị biệt giam trong lồng lưới sắt để cảnh cáo. Nếu đương sự ngoan cố không tuân phục, mà tái phạm lần thứ hai, thì sẽ bị tuyên án tử hình. Bị nhốt một thời gian, can phạm không chịu hối cải, lại tấn công người mở chuồng cho nó ăn. Hôm đó chủ trại lại bận việc đi xa vài hôm mới về. Nó phóng ra rồi nuốt nguyên cánh tay và quấn xiết người cho nó ăn. Trong trại một lần nữa, lại nhanh chóng cứu cấp nạn nhân kịp thời. Bây giờ nó lại bị biệt giam vào một cái lồng lưới sắt kiên cố hơn, chờ trưởng trại trở về định đoạt.

Khi trưởng trại về, nghe mọi sự việc, lập hồ sơ bản án. Rồi triệu tập các loại rắn trong trại lại tại hội trường. Để chứng kiến sự xét xử công bình minh bạch, việc con rắn hổ lai trăn đã vi phạm nặng nề hai lần. Ông chủ trại lại đi quanh giáp vòng, đọc thần chú lâm râm rồi kêu hú tiếng gì đó không ai biết. Dù con rắn đó đang bắt nhái, bắt lươn, cũng phải bỏ dở lập tức, bò vào hội trường từng hàng từng lớp. Chúng đều ngoi đầu lên, lóng ngóng nhìn nhau, chờ đợi chuyện quan trọng gì đây, mà tập họp bất thường vậy ? Mới lấy nọc ba bữa mà ! Không lẽ có trại viên cà chớn nào, phạm trọng tội mà phải bị tử hình chăng ? ! ! Con rắn nào cũng nghển cổ lên, nhìn nhau thắc mắc và chờ đợi.

Người xưa kinh nghiệm nhiều, chứng kiến nhiều sự việc đã xảy ra, cho nên đã nói: “Nhơn cùng tất trá, vật cùng tất phản.” Có nghĩa là: Người bị dồn vào đường cùng, thì sẽ tính toán, bạo động tìm mọi cách sống còn. Con vật bị bị dồn vào đường cùng, thì chúng hung hăng, phản ứng tự nhiên là cắn phá, tấn công lại để tìm lối thoát. Chủ trại đem nội quy nhà trại ra đọc trước mấy ngàn con rắn. Rồi nhắc lại tội của con rắn Hổ lai Trăn, đã được nuôi dưỡng và đối đãi tử tế, lại tấn công nuốt cánh tay người nuôi nó một lần. Đương sự bị cảnh cáo nhốt trong chuồng để cải hóa 1 tháng. Bây giờ chứng nào lại tật nấy, đương sự lại tấn công nuốt cánh tay và quấn xiết người nuôi mình. Nếu không được cứu giúp kịp thời thì đã phí một sinh mạng quý giá ! Chính vì đã cảnh cáo đương sự, nhưng đương sự lại ngoan cố tái phạm. Cho nên chiếu theo điều luật số . . . của trại :



Nay trại quyết định chiếu theo quy luật trại, xét xử nghiêm minh đương sự Rắn Hổ lai Trăn, đã cố tình tái phạm các việc:

* Thứ nhất phản bội người nuôi dưỡng mình tử tế.

* Thứ hai tấn công người chăm sóc mình 2 lần.

* Thứ ba không tôn trọng mạng sống ân nhân giúp mình , lại muốn hại người.


Xét thấy ba điều này quá mức nghiêm trọng. Nay tuyên bố đương sự phải thọ lãnh bản án Tử Hình, để giữ gìn sự nghiêm minh theo quy luật trại. Nếu trại viên nào không phục, thì cất đầu lên phản đối .

Tất cả các loài rắn cảm nhận xong, đều cúi đầu tùng phục, không con nào cất đầu lên phản đối. Khi được lệnh giải tán đâu về đó, chúng mới bò đi. Như vậy chúng ta thấy rằng, loài bò sát tuy thấp kém. Nhưng phải ân cần săn sóc và đối đải tử tế nghiêm minh, thì chúng mới tùng phục. Nếu không nghiêm minh rõ ràng, chúng bất tuân thì sẽ loạn. Đó là loài rắn được nuôi nơi hoang dã còn vậy !


5. Những con rắn độc nuôi trên mình

Còn những loài rắn khác, mà con người đã vô tình nuôi nó nơi thân thể của mình thì sao đây ! ?

Trên cõi đời, vạn vật đều nằm trong quy luật tương đối. Đối với chúa Trời thì có Ác quỷ Luxiphe. Đối với cực thiện như Đức Phật thì có Ma Vương quấy phá. Tuy chúng cực ác, nhưng cũng là chúng sinh. Là chúng sinh thì có Phật tánh. Có Phật tánh thì trong tương lai vào vô số Hằng Hà kiếp nào đó, nó sẽ tu thành Phật. Theo luật tương đối, cho nên con vật nào dù nó độc hại cách mấy, nếu ta biết điều phục chúng, sẽ có những hữu ích cho con người. Như nọc con rắn độc lại quý và mắc hơn vàng. Nếu chúng ta biết xử dụng, thì có thể cứu sống người bị rắn cắn, trị được bệnh thấp khớp nan y, bệnh đau nhức cơ thể v . v . . Cũng như lửa, tính nó nóng hay đốt cháy tất cả, như nhà cửa, quần áo, vật dụng, núi rừng và gây không biết bao nhiêu tai họa cho con người. Nhưng khi ta biết xử dụng chúng, thì có thể làm sáng nhà cửa vào ban đêm, như thắp ngọn đèn, nấu ăn, nấu nước, sấy khô vật dụng, vận hành được máy chạy tàu, chạy xe v . v . . Cũng như điện, nếu xử dụng không đúng cách, thì gây tai họa không lường được. Nó làm chết người nhanh hơn nọc rắn độc cắn. Còn xử dụng đúng kỹ thuật, thì nguồn điện đem không biết bao nhiêu lợi lạc cho thế gian. Nó trở thành tiện nghi lợi lạc, đem vui tươi hạnh phúc cho cuộc đời qua máy móc điện tử, xe cộ, phi cơ, truyền thanh, truyền hình v . v . . Nhất là thế kỷ 21 này, điện đóng vai trò quan trọng trong thông tin điện tử, giúp kiến thức con người phát triển nhanh hơn, có thể thu gọn cả thế kỷ, chỉ trong một bước tiến thông tin.

Tuy nhiên, cái gì có lợi nhiều, thì cái hại của nó càng lớn lao hơn. Như kiến thức phát minh khoa học, giúp cho con người nhìn sâu, nhìn xa và nhiều tiện nghi lợi lạc mà con người cách vài Thập Niên trước chưa có. Nhưng cũng tai hại vô cùng, chỉ cần một cái bấm nhẹ vào một nút điện, thì có thể hủy diệt cả một vùng không gian mênh mông, cướp đi hàng trăm triệu sự sống quý giá.

Muốn cho mọi người hết khổ và được an vui giải thoát, Đức Phật mới ra đời, thuyết ra tám mươi bốn ngàn pháp môn để phù hợp với căn cơ của mỗi người. Điều quan trọng là Ngài khuyến khích con người phát huy trí tuệ. Vì có trí tuệ mới nhận định được rõ ràng, mới tu hành đúng pháp để giải thoát. Đức Phật dạy:“Tin Ta mà không hiểu ta, là bài báng Ta”. Chư Tổ còn dạy thêm :“Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết” Nghĩa là chấp theo văn tự của kinh mà giải nghĩa, không thấu hiểu được ý sâu của kinh, là oan ức cho ba đời chư Phật. Còn lìa ý kinh mà giải nghĩa, dù chỉ một chữ cũng là ma thuyết, chứ không phải của Phật thuyết. Phần này, chúng tôi xin dẫn chứng qua ví dụ :

Như người Phật tử thọ năm giới, trong đó có giới thứ tư cấm nói dối. Vào một buổi tối, có người vợ bạn hàng xóm, bị chồng say rượu về hạch hỏi tiền người vợ để đi đánh bài. Người vợ không đưa, liền đánh người vợ, còn lấy súng rượt vợ định bắn. Cô ta hoảng sợ chạy qua nhà Phật tử trốn. Khi người chồng tìm không thấy vợ, qua nhà Phật tử ấy hỏi có vợ anh ta ở đây không ? Nếu người Phật tử ấy nghĩ rằng: Mình là Phật tử, phải giữ giới cấm không được nói dối, dù bỏ thân mạng cũng không lừa dối người. Nếu người Phật tử ấy không hiểu thâm ý Đức Phật dạy, không nói dối là: Không lừa gạt người, không đem thiệt thòi, đem đau khổ cho người khác mà lợi mình. Bởi lòng từ bi thương người, không nở làm khổ người. Hơn nữa, là vì tâm bình đẳng, không muốn ai lừa gạt đem đau khổ cho mình, thì mình đừng bao giờ lừa gạt ai, đem đau khổ cho người khác. Chứ không phải dạy không cứu người hoạn nạn, đang cần bàn tay từ bi của mình che chở. Nếu hiểu ý nghĩa của lời dạy như vậy, thì người Phật tử kia phương tiện bảo: Vợ anh ở nhà anh, làm gì có đây mà kiếm ! Chắc chắn ngày mai, anh bạn này tỉnh rượu sẽ nhớ ơn mình, và cô vợ anh ta cũng an toàn sự sống. Ngược lại, không hiểu ý nghĩa lời Phật dạy, sợ phạm giới trên hình thức, lại đi chỉ vợ anh ta trốn trong nhà mình. Khi người say rượu mất cả trí khôn, tánh nóng nảy bất chợt giết vợ. Chồng bị tù, vợ bị chết, chắc chắn nhà Phật tử ấy sẽ bị cười chê là ngu. Tại sao không cứu người, lại chỉ cho chồng giết vợ ? Như vậy là không phỉ báng Phật là gì ? Là oan ức cho Chư Phật ba đời dạy rồi ? Do đó, Đức Phật dạy: Duy Tuệ thị nghiệp. Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, có trí tuệ mới tiến vững trên con đường giải thoát. Kính tin Đức Phật, nhưng cần phải hiểu rõ ý mầu của Đức Phật. Nếu không, là ta vô tình phỉ báng Ngài.

Phần trên, chúng tôi đã kể những con rắn bên ngoài, nó rất độc hại, nhưng biết điều phục chúng, thì lại đem nhiều lợi lạc cho con người. Bây giờ chúng ta tìm hiểu những con rắn, ai cũng vô tình nuôi dưỡng nó trên thân thể mình. Đó là những con rắn : Tham, sân, si, mạn, Nghi và Ác kiến.

* Con rắn tham:

Con rắn này cắn, thì đau đớn và ân hận suốt đời. Ngạn ngữ có câu: Tham thì thâm . Nghĩa là khi tham thì sẽ bị độc hại. Như chuyện ngày xưa, một hôm Đức Phật cùng ông A Nan đi trong rừng, gặp một cái hũ bỏ bên cạnh đường. Cái nắp hở một bên, ông A Nan nhìn thấy vàng bên trong. Nhưng Đức Phật nói đó là hũ rắn độc, đừng động đến nó nguy hiểm. Anh chàng nông dân đi phía sau nghe vậy, đến mở nắp hũ xem thấy toàn là vàng chói sáng. Bèn cười nói: “Hai Thầy trò ông Gotama này dại thật, hũ vàng như vầy mà bảo là hũ rắn ! Vậy thì ta đem về bán vàng mua sắm nhà cửa, ăn xài cho sung sướng !” Anh đem hũ vàng về, định bán ra mua đất cất nhà. Nhưng chưa kịp mua đất, thì lính nhà vua đã đến bắt anh, đánh đập anh, bắt anh cung khai đồng bọn ăn trộm. Anh đâu biết gì để khai, nên lính càng đánh anh nhiều, rồi lôi anh vô tù nhốt. Trong lúc nằm trong tù, chân tay bầm giập, mình mẩy sưng phù, đau nhức không tả xiết ! Bất chợt anh nhớ lời Phật nói với ông A Nan :“Đây là hũ rắn độc, đừng đụng đến nó nguy hiểm”. Bây giờ anh mới thấm thía, hũ rắn độc này nó cắn anh đau nhức cùng mình, cắn anh phải xa lìa vợ con, cắn anh phải cô đơn trong nhà tù lạnh lẽo, và không biết bao giờ anh thoát được nạn nọc độc này !

Con rắn tham khi nó cắn người nào, thì người đó không còn sáng suốt, bị mê muội không thấy được lẽ phải. Kể cả không thấy tù tội hay luật pháp. Người đó trở thành nô lệ cho tham lam sai khiến, lôi kéo vào con đường gian truân nguy hiểm. Để rồi tạo nhiều nhân ác, phải trả quả sau này. Loài rắn này, có năm loại : Loại tham tài, loại tham sắc, loại tham danh, loại tham thực ( ham ăn), loại tham thùy ( ham ngủ).

Vị thuốc quý trị bệnh loại rắn này, là lấy lòng Từ Bi và Bình Đẳng để dẫn thuốc, thêm vị Bố Thí càng nhiều cân lượng càng tốt. Luôn nghĩ đến sự khổ đau của người khác mà phát tâm Bồ Tát. Con rắn Tham sẽ rơi mất theo sự bố thí đó, không thể hại ta được nữa. Ta lại được những phước báo lớn lao. Vì những vị thuốc này, có công dụng điều phục loại rắn tham, không còn hại mình nữa.

* Con rắn Sân:

Con rắn này, người ta hay nuôi âm thầm trong người. Khi ai chạm đến cái Ngã của mình, hay chạm đến quyền lợi của mình, hoặc là chống đối mình. Người ta hay thả nó ra cắn người đó. Đặc biệt hơn, con rắn này trước khi cắn người khác, thì nó quay đầu cắn người chủ nuôi nó trước. Khi nó cắn, thì nọc của nó làm cho người trẻ thành già tức khắc. Làm cho người đẹp chớp nhoáng thành xấu xí khó coi. Làm cho người đang hiền lành bổng biến thành hung hăng dữ tợn. Nọc của nó đang chuyển chạy, thì nhan sắc liền phai tàn, không thẫm mỹ viện nào sửa chửa được. Đó mới chỉ là hình tướng bên ngoài, còn nọc của nó dẫn truyền bên trong, thì làm cho đầy hơi ăn không ngon, ngủ không được. Bực bội, bứt rứt, nóng nảy, uất ức, sanh ra nhiều chứng bệnh tim mạch khác không lường được. Còn nuối tiếc nuôi dưỡng loài rắn đó, thì tránh không khỏi dính đến pháp luật. Như những thanh niên Mỹ, chỉ nói khích nhau một câu, rồi rút dao đâm nhau. Kẻ chết, người tù, ân hận thì đã muộn. Bà con, hàng xóm thù nghịch nhau, cũng do nuôi dưỡng loài rắn này quá lớn. Rắn này có bốn loại : Sân là nổi nóng lên, như lửa rơm dễ phừng cháy. Phẩn là phẩn uất hiện ra tướng hung hăng, như lửa củi chậm cháy, nhưng tai hại lâu dài. Hận là hờn hiện nét khó chịu, như lửa than không có ngọn, âm ỉ nếu gặp cơ hội thì phát lên. Não là buồn man mác lâu dài, như lửa tàn mà tro còn nóng, nhớ mãi bên trong khó quên .

Vị thuốc trị loại nọc rắn này là: Dùng vị Từ Bi dẫn thuốc trước tiên. Các vị thuốc kế là: Tư duy Quán chiếu , Cảm thông, Tha thứ, nhất là vị Hỷ xả càng nhiều càng tốt. Nếu không dùng những vị thuốc này trị liệu, thì càng ngày nọc nó càng thấm sâu. Nó sẽ làm cho người đau khổ nhiều hơn, cô đơn nhiều hơn. Sẽ có ngày nó khiến những người thân thiết của mình, không dám đến gần mình. Còn chịu khó dùng toa thuốc này trường phục, thì sẽ tươi trẻ nhiều, an vui nhiều, lợi lạc nhiều và được nhiều người quý mến. Vị thuốc này cũng dùng điều phục loại rắn Sân.

* Con rắn si:

Con rắn này, tuy thấy khù khờ không hùng hổ như hai con rắn kia. Nhưng, thực sự nó nguy hiểm hơn hai con rắn kể trên ! Cho nên chư Tổ dạy: “Bất úy Tham ,sân khởi. Duy khủng tự giác trì”. Nghĩa là: Không sợ con rắn tham, rắn sân dương oai diệu võ. Chỉ sợ con rắn si mê xúi dục chúng hung hăng. Làm cho con rắn sân, rắn tham hoành hành bất kể tội lỗi, bấy kể phải quấy và không sợ hậu quả !

Thuốc trị rắn độc này và vị Trí Tuệ dẫn thuốc, trường phục thêm vị thuốc Quán Chiếu sự độc hại của nó. Để minh mẫn, thoát khỏi sự mê hoặc của nó lôi cuốn. Thường tỉnh thức giữ gìn Chánh Niệm, thì con rắn si sẽ chạy mất. Đó là vị thuốc quý điều phục loại rắn Si mê.

* Con rắn mạn: (cống cao ngã mạn)

Con rắn này hay dương dương tự đắc, hay tự cho

mình là hay là giỏi hơn người khác. Hay khinh thường người khác, làm tổn hại nhiều đức lành đáng quý. Nọc của nó làm cho mình bị mọi người chán ghét, bỏ rơi .

Thuốc trị nọc độc này là vị thuốc Khiêm Nhường, Nhẫn nại, kính quý mọi người. Khi hết bệnh sẽ được mọi người quý mến, thân thiện. Vì đó là thuốc điều phục rắn Kiêu Mạn

* Con rắn Nghi:

Loại rắn này cắn thì hay nghi ngờ đủ thứ, nghi mình không đủ sức, nghi người thiếu chân thật, nghi cả Chánh Pháp có đúng hay không. Cho nên người bị nó cắn, thì yếu ớt thiếu cương quyết, thiếu dũng mãnh, thiếu chí khí thực hành.

Thuốc trị loại nọc này, là vị thuốc Niềm tin chân chánh, Trí tuệ sáng suốt và Tinh Tấn kiên trì. Tin tưởng lời Phật dạy là đúng. Đó là thuốc điều phục rắn Nghi ngờ. Nếu không chịu dùng các vị thuốc này, thì uổng phí cuộc đời. Có thể bị ma dẫn lối quỷ đưa đường, sa vào đường tà thật tai hại vô cùng .

* Con rắn Ác Kiến:

Con rắn này cắn, thì hay chấp chặc một định kiến sai lầm. Nọc nó làm cho con người cứ cho nhận thức của mình là đúng. Cho nên không chịu nghe bậc Thiện Tri Thức hướng dẫn. Do đó, lần hồi sa vào tà đạo, không được an vui giải thoát.

Vị thuốc trị bệnh này, là chịu khó học hỏi Chánh Pháp, gần gũi bậc Thiện Tri Thức nhờ hướng dẫn. Gần gũi những bạn tốt chia xẻ hiểu biết. Sẽ thoát được mê đồ kiến chấp sai lầm bấy lâu, tiến bước trên con đường an vui giải thoát.

Muốn điều phục loại rắn này, là thân thiện với Thầy sáng bạn Hiền, từ từ sẽ điều phục được loại rắn này.

Những con rắn này, nó hay quanh quẩn bên mình ta. Đôi khi người ta thiếu nó, như thiếu một cái gì gíúp cho sự an toàn của bản thân. Vô tình người ta xem nó, như một tài sản riêng cần phải có. Vì nó đeo đẳng chúng ta, từ đời vô thủy đến bây giờ. Bây giờ chúng ta muốn dẹp trừ nó, thật khá khó khăn và đòi hỏi kiên trì lâu dài. Chúng đã thành tập quán, thành nghiệp lực của từng cá nhân. Chính vì thế, chúng ta không thể đem nó ra, rồi lập bản án tử hình như chuyện con rắn hổ lai trăn trên. Trái lại, chúng ta phải đối đãi tử tế với nó, ngọt ngào với nó, để cho nó an ổn. Lúc đó mới chuyển hóa nó qua tư duy, đưa những tai hại mà nó gây ra, để nhắc nhở và kiềm chế nó. Bởi ta không thể dung bạo lực trị bạo lực, chỉ gây them đau khổ mà thôi. Dùng pháp : Nhu thắng cang, nhược thắng cường, giúp cho nó thấy sự xót xa, sự phiền khổ của mình và của người khác do nó gây ra.

Chúng ta thấy, dù là loại rắn hoang dã độc hại, nhưng cũng có phương cách điều phục chúng tuân theo. Cho đến những con rắn độc trong mình, được nhiều người hay nưôi dưỡng chúng, có người còn xem nó là bạn than. Dù nó hay hại người đến tan thân mất mạng, hại vua chúa nước mất nhà tan. Nhưng người ta thiếu sáng suốt cứ ôm ấp nó, như giữ một gia tài quý giá. Cho nên Đức Phật đã hướng dẫn chúng ta, phương pháp điều phục chúng.

Điều quan trọng, mỗi ngày dành mươi phút tịnh tâm quán chiếu, mở rộng lòng từ thương yêu tất cả. Thương những người thương mình, thương những người dễ thương, thương những người khó thương, và thương những người hay đem phiền não đến cho mình. Khi tình thương đã lan rộng, đã chan hoà tất cả, thì các con rắn đó sẽ được mát mẻ hiền lành. Chính tình thương đó, làm mát mẻ tươi thắm mình, nó còn làm mát mẻ những người chung quanh mình, và làm mát mẻ những người ghét mình. Bấy giờ, chúng ta sẽ thấy những loài rắn đó biến dạng từ từ, thành những con thỏ hiền lành dễ thương. Lúc ấy ta sẽ thấy:

Đi đâu cũng thấy hoa cười

Đi đâu cũng thấy người người dễ thương.


Và:

Vui tươi ăn nói dịu dàng

Dù ai giận ghét, sẵn sàng thứ tha

*

Đạo pháp thường hay dung với hòa

Xét người cho tột , xét thân ta

Khi người rõ phận ta vui thứ

Ta thứ được người, người thứ ta.


Đau khổ chính nơi ta gây ra, và hạnh phúc cũng chính từ thân tâm ta sáng suốt tạo ra. Vậy chúng ta hãy cố gắng ! Muốn là được, quyết là thành các bạn ạ ! ./-


Về Đầu Trang Go down
 
Điều Phục Những Loài Rắn
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Những câu chuyện cười người lớn ( over 18+ )
» huyen thoai nhung thay bat ran
» Có một điều
» NHỮNG SAI LẦM CỦA TÔI!
» nhung buc anh ma

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Lớp 12a1 Thân Yêu!!!! :: Giải Trí-
Chuyển đến